Làm thế nào để báo hiếu cha mẹ?
10/08/2021 518 lượt xem
Khi nhắc đến lễ Vu lan, trong mỗi con người chúng ta đều nhớ về người mẹ của mình. Với mỗi con người báo hiếu cha mẹ không chỉ đợi đến ngày Vu lan mà chữ “hiếu” luôn luôn ở trong tâm khảm mỗi con người chúng ta. Thể hiện qua những câu nói, những hành động mỗi ngày với đấng sinh thành.
Ngày lễ Vu lan là ngày nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội của mình, nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà các thế hệ trước. Ngày Vu lan còn là ngày giúp chúng ta hiểu thêm về đạo lý “từ, bi, hỉ, xả, vô ngã, vị tha” trong kinh Phật.
Theo lời Đức Phật dạy rằng: Trong tứ trọng ân của nhà Phật, ân Cha mẹ là một trong bốn ân quan trọng nhất mà mỗi chúng ta dù là ai kể cả Đức Phật cũng phải báo đáp. Không có cha mẹ thì không có được chúng ta của ngày hôm nay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách thể hiện lòng biết ơn cho cha mẹ của mình.
Dưới đây là một số gợi ý của Hương trầm Thiên Lộc để thể hiện tình cảm của mình với ông bà cha mẹ
Hãy tập nói yêu thương với cha mẹ
Với bạn trai, bạn gái chúng ta đều có thể nói yêu vậy tại sao cha mẹ sinh thành chúng ta lại không thể nói câu này? Tâm lý của mỗi người đều có vẻ như rất ngại khi nói “Con yêu mẹ, con thương mẹ, con yêu bố”. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ lại một chút, khi bạn trai, bạn gái nói yêu/thương chúng ta chúng ta hạnh phúc như thế nào. Vậy thì khi nói yêu mẹ, thương mẹ thì mẹ chúng ta cũng hạnh phúc như thế. Hãy tập nói yêu thương cha, mẹ mỗi ngày. Mặc dù khó mở lời nhưng chắc chắn cha, mẹ chúng ta rất hạnh phúc khi chúng ta nói yêu họ mỗi ngày.
Dành thời gian tâm sự với cha mẹ mỗi ngày
Người già tâm lý thay đổi, tính tình thất thường, đã có câu nói “một già một trẻ bằng nhau”. Khi con người ta về già thì tâm lý thay đổi khiến cho người già trở nên cô đơn và mong muốn con cháu quan tâm đến mình nhiều hơn. Giữa cuộc sống hiện đại con cháu đều bận rộn với công việc, người già sẽ cảm thấy mình như người bị bỏ lại, cô đơn trong chính căn nhà của mình. Từ đó dẫn tới tủi thân hoặc tiêu cực hơn như nóng nảy, cáu gắt, hoặc dẫn tới trầm cảm…Vì vậy, những câu đơn giản như “Hôm nay mẹ thấy khỏe không? Mẹ ăn ngon không?Mẹ ngủ ngon không?…”sẽ giúp cho người già cảm thấy bản thân vẫn được con cháu quan tâm. Hoặc trò chuyện để hiểu suy nghĩ của ông bà hiện tại, khuyến khích ông bà nói nên những suy nghĩ từ đó tìm hướng động viên tránh những suy nghĩ tiêu cực. Không nên vì lí do công việc bận mà quên đi việc trò chuyện với cha mẹ mỗi ngày.
Giáo dục về lòng biết ơn cho thế hệ sau  
Mẹ mang thai ta chín tháng mười ngày, chịu bao đau đớn khổ cực. Mẹ phải hi sinh rất nhiều để chúng ta có một sức khỏe tốt đến với cuộc đời này. Còn Cha là người ít nói nhưng Cha luôn bên cạnh chúng ta, Cha cố gắng làm việc mỗi ngày để chúng ta có cuộc sống tốt, đảm bảo kinh tế cho cả gia đình. Ơn sinh thành nặng hơn Thái Sơn phải trả bao giờ cho hết. Chúng ta làm những việc báo hiếu cha mẹ mỗi ngày thì giới trẻ đã hình thành nên từ trong nhận thức về lòng biết ơn. Từ đó sẽ chi phối nên các hành vi sẽ giúp giới trẻ có những ứng xử xã hội phù hợp.
Kiên nhẫn, ôn hòa với cha mẹ
Khi con người ta về già thì cả cơ thể và tâm lý đều thay đổi, da nhăn nheo, tóc bạc đi, mắt mờ, chân chậm…khiến cho tâm lý trở nên bi quan, cô độc. Người già cũng như trẻ nhỏ, thân thể yếu đi, chậm chạp hơn, trước một vấn đề cần có thời gian xử lý mới có được đáp án trả lời. Từ đó dẫn đến bi quan, cô đơn, cần con cháu ở bên trò chuyện nhiều hơn. Nếu ai không thấu hiểu tâm lý của người già thì dẫn đến nóng nảy, quát tháo…điều này càng làm cho người già cảm thấy tủi thân, bi quan và cô độc hơn. Điều chúng ta cần làm là ở bên, lắng nghe, trò chuyện, kiên nhẫn nhiều hơn với cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ luôn muốn làm chỗ dựa cho con cái nhưng con cái đâu có chịu hiểu và lắng nghe, chỉ thấy “phiền”. Do đó thay vì nóng nảy, giận dữ vì mọi chuyện không theo đúng ý thì chúng ta hãy ngồi xuống, kiên nhẫn lắng nghe những lời của cha mẹ. Biết đâu trong cuộc sống có lúc sẽ cần dùng đến. Với cha mẹ dù bạn có đến 60-70 tuổi thì với họ bạn cũng chỉ là những đứa trẻ cần được che chở.
Khuyến khích cha mẹ đến chùa tụng kinh, nghe pháp niệm Phật
Chúng ta đều bận rộn với công việc thì không nên để cha mẹ ở trong nhà nhiều sẽ dẫn tới cô độc và có những suy nghĩ tiêu cực. Thay vì đó chúng ta nên khuyến khích cha mẹ lên chùa, tham gia các khóa tu để giúp cha mẹ được cởi mở hơn giúp chống lại trầm cảm. Khi tâm an thì sức khỏe mới tốt và vui vẻ sống bên con cháu. Ngoài ra, hãy giúp cha mẹ niệm Phật, ngồi thiền tại gia để tâm an lạc. Cũng nên nói cho cha mẹ về luân hồi, sự sống sau cái chết để tránh tâm lý về già sợ chết giúp cha mẹ loại bỏ hoang mang, vui vẻ sống bên con cháu.
Sống làm sao để cha mẹ không phải lo lắng
Chúng ta không cần đợi giàu sang mới có thể báo hiếu cho cha mẹ. Mà cách báo hiếu tốt nhất cho cha mẹ là trở thành người có đạo đức, người tốt của xã hội, biết yêu thương, tôn trọng mọi người. Cha mẹ chúng ta sẽ tự hào biết mấy khi con của họ là người biết lẽ phải, kính trên nhường dưới, biết đạo đức và nỗ lực để cuộc sống tốt hơn.
“Nếu còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc”, hãy bày tỏ tình yêu thương đến cha mẹ của mình, báo đáp công ơn sinh thành. Rồi cũng sẽ đến 1 ngày ta cũng sẽ có con, cũng trở thành cha mẹ. Hãy làm tấm gương tốt để cho thế hệ sau noi theo học tập.