Rút tỉa chân hương nhang, bao sái ban thờ trước dịp Tết Nguyên Đán
Trong phong tục thờ cúng, việc rút tỉa chân hương nhang, lau dọn ban thờ hay theo Phật học còn gọi là Bao Sái ban thờ khi bát hương đã có nhiều chân hương và đặc biệt là trước mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Điều quan trọng khi thực hiện việc này là phải làm một cách thành tâm, nghiêm chỉnh và đúng bài bản.
Nên rút tỉa chân hương nhang vào lúc nào là phù hợp?
Đại đa số chung người dân Việt Nam sẽ chờ đến dịp cuối năm để rút tỉa chân hương nhang (Bao Sái), trong khoảng từ ngày 23 tháng chạp trở đi. Tuy nhiên, với những nhà thắp hương hàng ngày, việc tỉa chân hương nhang không nhất thiết phải chờ đến dịp gần Tết Nguyên Đán, chúng ta hoàn toàn có thể chọn một ngày cát lành trong năm để lau dọn, tỉa bớt chân nhang khi bát hương đã đầy hoặc có thể làm định kì hàng tháng hoặc hai đến ba tháng một lần để giữ mỹ quan, giúp ban thờ sạch sẽ, sáng sủa cũng như phòng chống nguy cơ gây hỏa hoạn mà không lo phạm kị Thần linh.
Tỉa chân hương nhang thế nào cho đúng cách?
Khi rút tỉa chân Hương (nhang) gia chủ nên rút từng chút một, nhẹ nhàng ,bình tâm cho tới khi bát hương còn lại số chân hương lẻ ( ví dụ như 3,5,7,9 ) nhưng thường thì mọi người để lại 3 chân hương là đủ, với hàm ý lưu giữ lại lộc tồn.
Các chân nhang đã tỉa đem hóa thành tro, rải ngoài sông hồ nơi có nguồn nước lưu thông hoặc để bảo vệ môi trường nên đem vùi tro tại các gốc cây lớn. Lưu ý điều tối kị không được vứt chân nhang hoặc các đồ thờ cúng vào thùng rác, những nơi ô uế.
Thay tro cho bát hương
Sau khi rút tỉa chân nhang (Bao Sái), nếu bát hương còn đầy tro thì gia chủ dùng thìa lấy bỏ bớt, hoặc tro vơi thì mua tro sạch được đốt từ rơm nếp bồi vào bát hương. Nguyên tắc tro chỉ cần đầy 2/3 bát hương là được.
Trừ khi gia chủ có ý định bốc bát hương khác mới sử dụng tro mới hoàn toàn, còn nếu là lau dọn định kì tuyệt đối không được dốc hết tro cũ trong bát hương đem bỏ.