Lại một mùa Vu Lan nữa sắp tới. Năm nay khác với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh con người ta phải ở nhà. Theo nghĩa tiêu cực thì khiến cho mọi người buồn chán vì phải ở nhà, nhưng tích cực hơn thì là dịp mỗi chúng ta được ở nhà để bày tỏ lòng hiếu nghĩa với đấng sinh thành dịp Vu lan.
Lễ Vu lan gọi nhớ cho con người về đạo hiếu với các bậc sinh thành. Trong lễ Vu lan có nghi thức cài bông hồng lên áo. Mỗi màu hoa sẽ mang cho mình ý nghĩa, một câu chuyện nhân văn khác nhau.
Nguồn gốc về bông hồng cài áo Vu lan
Nghi thức bông hồng cài áo bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một lần đi công tác đã rất bất ngờ khi thấy người Nhật thành kính gài tặng thiền sư bông hoa hồng trắng vào ngực trái. Điều này đã khiến nhà sư ngạc nhiên, tìm hiểu và biết được ý nghĩa cao đẹp của việc này ông đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu lan của nhà Phật. Và “Bông hồng cài áo” cũng là ấn phẩm được Thiền sư viết về người mẹ kính yêu của mình, tác phẩm được xuất bản năm 1962.
Tình mẹ bao la rộng lớn mà không gì có thể sánh bằng, mẹ là người sinh thành nuôi lớn chúng ta nên người. Mẹ là nhà, là nơi đón chúng ta trở về khi cuộc sống kia đầy những giông bão. Mẹ tha thứ cho những lỗi lầm mà chúng ta gây ra. Mẹ là nguồn gốc của tình thương, mẹ dành cả đời để lo cho các con mà chẳng mong các con đền đáp, chỉ cần các con hạnh phúc, trưởng thành.
Ý nghĩa các màu hoa ngày lễ Vu lan
Hằng năm, mỗi khi đến dịp lễ Vu lan thì nghi thức cài bông hồng lên áo lại được thực hiện trang nghiêm và xúc động. Đây là nghi thức thể hiện đạo chữ hiếu, tình yêu thương cha mẹ.
Nếu may mắn còn đủ cha mẹ trên đời thì sẽ được cài bông hồng đỏ. Bông hồng đại diện cho công ơn sinh thành vất vả, dưỡng dục của cha mẹ. Bông hồng đỏ nhắc nhở mỗi chúng ta phải sống làm sao để cha mẹ không phiền lòng.
Nếu không may mất đi cha hoặc mẹ thì sẽ được cài lên ngực bông hồng có màu nhạt hơn. Nhắc nhở chúng ta không quên ơn sinh thành và phải tròn chữ hiếu với cha mẹ.
Phật tử nào mà cài bông hoa trắng thì là cha mẹ đều không còn. Màu trắng là màu đại diện cho sự chia ly, qua màu hoa trắng nhắc nhở mỗi người tưởng nhớ đến cha mẹ mình, không được quên ơn sinh thành.
Ngoài ra trong nghi thức cài hoa còn xuất hiện bông hồng vàng. Bông hồng này được phật tử cài lên ngực áo cho chư tăng tham dự lễ Vu lan. Các vị Chư tăng đã từ bỏ cuộc sống thế tục để sống cuộc sống của người xuất gia, tu hành. Họ là những người mượn thân tứ đại của cha mẹ sinh ra để cầu giải thoát, cứu độ cho chúng sinh. Màu vàng theo đạo Phật là màu của giải thoát như vô thượng phước điền y, là màu của tuệ giác tượng trưng cho sự buông bỏ, xả ly, không chấp thù và giải thoát.
Bông hông vàng này là của Việt Nam phát triển thêm không giống như các bông hồng khác có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Trải qua rất nhiều năm, bông hồng cài áo vẫn là nghi thức được duy trì tiếp nối mùa Vu lan như một cách nhắc nhở mỗi con người về đạo hiếu uống nước nhớ nguồn. Chỉ mong những người còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, làm tròn bổn phận chữ hiếu với đấng sinh thành.