Nguồn gốc lễ Vu Lan
09/08/2021 611 lượt xem
Hàng năm, cứ đến độ tháng 7 âm lịch lòng người lại nhớ về ngày Vu lan báo hiếu. Ngày lễ Vu lan không chỉ mang một ý nghĩa thiêng liêng, đơn thuần về tôn giáo mà còn đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi con người về với nguồn cội dân tộc, về với ông bà tổ tiên. Vào ngày này, hầu hết các chùa đều tổ chức lễ trọng thể để đông đảo phật tử đến tham dự, cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền bình an, cha mẹ quá vãng được siêu sinh tịnh độ. Và dịp này cũng là dịp để cho mỗi chúng ta có thể sống chậm lại, nghe giảng kinh về nhân sinh cuộc sống, về đạo hiếu sinh thành.
Nguồn gốc của lễ Vu Lan
Lễ Vu lan bắt nguồn từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong bản kinh ngắn của Phật thuyết Vu Lan Bồn. Theo đó, lễ Vu lan xuất phát từ thời Đức Phật, ngài đã dạy cho con người phải báo hiếu cho các bậc sinh thành. Người đầu tiên được tiếp thu là một trong 10 người đệ tử xuất chúng của Đức Phật - Tôn giả Mục Kiền Liên.
Theo kinh Vu Lan Bồn có ghi lại: Khi Mục Kiền Liên tu thành chính quả, thông thạo nhiều phép thần thông. Mẹ của ông là bà Thanh Đề qua đời, để tưởng nhớ mẹ và muốn biết mẹ mình hiện tại thế nào nên ông đã dùng tuệ nhãn tìm kiếm khắp nơi trong đất trời. Cuối cùng thấy mẹ mình, vì sinh thời vì gây nhiều nghiệp ác nên bị đày ở ngạ quỷ, chịu khổ sở đói khát. Thấy mẹ ở ngạ quỷ bị hành hạ khổ sở nên ông đã đem cơm xuống dâng cho mẹ. Tuy nhiên, do bà Thanh Đề còn nhiều sân si nên khi ăn đã dùng 1 tay che bát cơm đi để không cho các cô hồn khác tranh cướp, vì vậy khi bốc bát cơm vào miệng thì toàn bộ đều hóa thành lửa.
Không còn cách nào khác, Mục Kiền Liên đành phải quay về hỏi Đức Phật để tìm cách cứu mẹ. Lúc này Đức Phật dạy rằng: “Dù ông có thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức để cứu được mẹ. Chỉ có một cách duy nhất là hợp lực của chư tôn khắp mười phương lại, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp được mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".
Sau đó nghe theo lời Đức Phật, Tôn giả Mục Kiền Liên đã sắp lễ cúng thỉnh nhân lúc chư tăng mãn hạ vào ngày 15/7 âm lịch, cuối cùng mẹ ông được giải thoát. Việc làm này của ông không những cứu được mẹ của mình mà còn giải thoát được các vong hồn bị gian cầm. Lúc này Đức Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ mình thì cứ cách này mà dùng. Vì vậy, từ đó lễ Vu lan được ra đời.
Ý nghĩa của việc thờ cúng ngày Vu lan
Lễ Vu lan vào ngày 15/7 cũng trùng với ngày xá tội vong nhân theo phong tục của các nước Á Đông. Theo dân gian, ngày xá tội vong nhân là ngày mở cửa địa ngục, ân xá cho vong linh cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa. Vì vậy, vào ngày này ngoài mâm cơm cúng ông bà tổ tiên trong nhà thì còn mâm cúng thí thực ngoài trời dành cho các vong linh, cô hồn.
Trong Phật giáo, vào dịp lễ Vu lan, phật tử thường tụng kinh cầu siêu, phóng sinh để tích phước, cầu bình an may mắn cho gia đình. Đến chùa vào dịp lễ Vu lan thì mỗi người sẽ được cài lên áo một bông hồng. Hoa hồng đỏ tượng trưng cho người còn đủ cha mẹ, màu hồng nhạt hơn tượng trưng cho người đã mất cha hoặc mẹ, và bông hồng trắng cho người đã mất cả cha và mẹ. Những người được may mắn cài bông hồng đỏ cũng là lời nhắc nhở phải hiếu thảo kính lễ với cha mẹ. Còn những người được cài hoa hồng trắng là lời nhắc về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ.
Ngày nay, Lễ Vu lan còn được biết tới với nghĩa quảng đại hơn ngoài ý nghĩa báo hiếu. Đó là kêu gọi về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, khuyến khích con người ta tri ân đền ơn bốn nguồn ơn lớn đó là: Ơn cha mẹ sinh thành, dưỡng dục; Ơn thầy cô đã dạy dỗ, truyền đạt tri thức nên người; Ơn với các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh xương máu để có nền độc lập ngày nay; Và ơn với chính con người với con người, giữa đồng loại con người phải yêu thương, đùm bọc nhau.
Thế giới vẫn không ngừng phát triển, xu thế hội nhập vẫn đang diễn ra. Nhưng tinh thần đạo hiếu vẫn luôn được đề cao để bồi đắp và trở thành sức mạnh văn hóa lưu truyền mãi muôn đời.